Cổ phiếu thủy sản: Tin ra là bán

Posted on Tin Tức 109 lượt xem

Cá tra Việt Nam có thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Mỹ và khối các nước trong Hiệp định CPTPP.

Cá tra Việt Nam có thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Mỹ và khối các nước trong Hiệp định CPTPP.

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra công bố lãi kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2022 nhờ giá và sản lượng tăng cao, nhưng giá cổ phiếu lại có diễn biến giảm.

Doanh nghiệp lãi lớn

Cả 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn đang niêm yết gồm Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC), Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (I.D.I, mã chứng khoán IDI) đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, nửa đầu năm nay, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu 7.493,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.341,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 81,4% và 241,6% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận gộp tăng từ 17,1% lên 25%. Theo Vĩnh Hoàn, kết quả kinh doanh tích cực là nhờ sản lượng và giá bán đều tăng cao.

Năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch đạt doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt cao hơn 43,6% và 45,6% so với mức thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc tháng 6, Công ty đã hoàn thành 83,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu 2.513,7 tỷ đồng, tăng 41,2%; lợi nhuận trước thuế 509,9 tỷ đồng, tăng 516%; lợi nhuận sau thuế 447,3 tỷ đồng, tăng 411,2 so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,8% lên 32,4%. Kế hoạch năm 2022 của Nam Việt là đạt doanh thu 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng.

Nam Việt cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu và giá bán tăng giúp Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh. Dự kiến, trong tháng 8/2022, Nam Việt sẽ xuất khẩu vào thị trường Mỹ lô hàng cá tra đầu tiên, với thuế chống bán phá giá bằng 0%, qua đó mở rộng thị trường. Các thị trường xuất khẩu chính hiện nay của doanh nghiệp là châu Á (tập trung vào Trung Quốc), châu Âu, châu Mỹ.

Tại I.D.I, kết thúc tháng 6/2022, Công ty đạt doanh thu 4.257,7 tỷ đồng, tăng 33%; lợi nhuận sau thuế 430,84 tỷ đồng, tăng 796,3% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 7,8% lên 17,2%. Mục tiêu năm 2022 của I.D.I là đạt doanh thu 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng.

I.D.I chia sẻ, kết quả kinh doanh tăng trưởng do Công ty chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu với giá tốt và giá cá xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên bình diện cả nước, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng đầu 2022 đạt 5,76 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ và chiếm 25% doanh số xuất khẩu thuỷ sản.

Theo Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), giá bán cá tra sang thị trường Mỹ gần đây dao động từ 4,5 – 5 USD/kg, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ; giá bán cá tra sang thị trường Trung Quốc ở mức 3,1 USD/kg, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhu cầu có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5/2022 tới nay, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu ở mức cao và giá đang giảm. Dự báo, hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ giảm tốc trong quý III/2022.

Giá cổ phiếu “quay đầu”

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhìn chung có diễn biến giảm từ đầu tháng 6/2022 tới nay, mức giảm trên 20% so với đỉnh (theo lý thuyết, giá cổ phiếu giảm quá 20% từ đỉnh là bước vào chu kỳ giá xuống).

Cụ thể, từ ngày 3/6 đến 11/7, giá cổ phiếu VHC giảm 34,4%, từ 114.500 đồng/cổ phiếu xuống 75.100 đồng/cổ phiếu, sau đó hồi phục lên 85.800 đồng/cổ phiếu. Mặc dù doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh lãi cao trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng giá cổ phiếu VHC giảm xuống 78.800 đồng/cổ phiếu trước khi đóng cửa phiên cuối tháng 7 tại 82.400 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, từ ngày 17/6 đến ngày 11/7, giá cổ phiếu ANV giảm 33,4%, từ 63.700 đồng/cổ phiếu xuống 42.450 đồng/cổ phiếu trước khi hồi phục lên mức 48.500 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến cuối tháng 7, cổ phiếu này nhìn chung giảm giá, còn 42.750 đồng/cổ phiếu, dù doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý II/2022 tăng cao kỷ lục.

Cổ phiếu IDI từ ngày 18/4 đến 7/7 có thị giá giảm 44%, từ 31.050 đồng/cổ phiếu xuống 17.500 đồng/cổ phiếu, sau đó hồi phục lên 20.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7, giá cổ phiếu IDI giảm còn 18.850 đồng/cổ phiếu, dù doanh nghiệp công bố lãi quý II/2022 tăng vọt.

Trong khi đó, VN-Index hiện tại (29/7) so với thời điểm giữa tháng 5 cũng như giữa tháng 6 biến động không đáng kể, dao động quanh mức 1.200 điểm, dù có một số thời điểm lùi xuống vùng 1.150 – 1.160 điểm, nhưng cũng có một nhịp tăng lên trên 1.300 điểm.

Hoạt động xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ giảm tốc trong quý III/2022.

Cá tra là loại cá rất dễ nuôi với chu kỳ ngắn, vòng đời trung bình một lứa dao động từ 6 – 8 tháng, tuỳ vào kích cỡ và thị trường xuất khẩu mục tiêu. Do thời gian thả nuôi ngắn nên khi giá xuất khẩu cao, nhiều người đồng loạt thả nuôi và khi giá giảm, họ lại trì hoãn thả nuôi. Chính vì vậy, chu kỳ ngành cá tra phổ biến là 2 – 3 năm.

Trong chu kỳ năm 2018, nhóm xuất khẩu cá tra đạt đỉnh lợi nhuận nhờ giá xuất khẩu tăng cao và nhu cầu tiêu thụ lớn. Giá bán cao đã thúc đẩy người dân thả nuôi ồ ạt, tình trạng dư cung diễn ra và nhóm xuất khẩu cá tra chạm đáy lợi nhuận vào năm 2020.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai thời điểm đỉnh cao của ngành cá tra năm 2018 và 2022 là biến động giá thức ăn chăn nuôi, vốn chiếm 75 – 80% giá thành cá tra. Năm 2018, giá thức ăn chăn nuôi duy trì mặt bằng thấp, người dân tăng cường nuôi cá. Giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, hiện tượng thả nuôi không còn ồ ạt như trước. Nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng vọt, nguồn cung giảm và giá bán cao bù đắp chi phí đầu vào, cùng với đó là một phần tồn kho giá thấp từ trước, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã lấy lại đỉnh lợi nhuận, với biên lợi nhuận gộp mở rộng.

Cổ phiếu thủy sản: Tin ra là bán ảnh 1

Lợi nhuận sau thuế và biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra (Đơn vị: tỷ đồng).

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, nhóm Vĩnh Hoàn, Nam Việt và I.D.I có biên lợi nhuận gộp lần lượt là 25%, 32,36% và 17,24%, cao hơn mức đỉnh năm 2018 (lần lượt là 22%, 20,94% và 15,75%); lợi nhuận gần bằng mức kỷ lục năm 2018.

SSI Research dự báo, năm 2023, Vĩnh Hoàn sẽ ghi nhận doanh thu 12.900 tỷ đồng, giảm 4,1% và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.740 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022.

Giá cá tra xuất khẩu đang giảm ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp, thậm chí bước vào giai đoạn suy giảm.

Đây được coi là yếu tố khiến nhà đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trở nên thận trọng, nhất là khi nhìn sang nhóm cổ phiếu thép. Trong quý I/2022, một loạt doanh nghiệp thép công bố lợi nhuận tăng kỷ lục, nhưng giá cổ phiếu sau đó giảm trên 20% so với đỉnh, bởi giá thép “quay đầu”. Kết quả kinh doanh quý II/2022 cho thấy, lợi nhuận nhóm cổ phiếu thép sụt giảm.

Thực tế, những nhà đầu tư chứng khoán lâu năm không chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh trong quá khứ để đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu, mà còn dự phóng bức tranh tài chính của doanh nghiệp nói riêng, ngành nói chung trong vòng 1 năm tới.

Theo dõi và liên hệ lấy sỉ hải sản khô tại đây 👇
Trang cá nhân: MỰC KHÔ MAI ĐỊNH
Fanpage: MAI ĐỊNH SEAFOOD
#Maidinhseafood #Congtymaidinh #Tintucmaidinh #tintuc
Cre: tinnhanhchungkhoan.vn