Thủy sản – Dư địa phát triển vô tận: Cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp hàng đầu

Posted on Tin Tức 96 lượt xem

BPO – Bình Phước có nhiều lợi thế trong phát triển nguồn lợi thủy sản khi có 3 con sông lớn chảy qua. Tỉnh còn có 3 hồ thủy điện và hơn 60 hồ chứa của các công trình thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ. Để phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2377/QĐ-UBND phê duyệt chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đơn vị chủ công thực hiện nhiệm vụ này là Trại giống cây trồng và vật nuôi thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chúng tôi có mặt tại Trại giống cây trồng và vật nuôi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khi các cán bộ đang tất bật chuẩn bị giống xuất cho hộ nuôi cá mặt nước lớn. Đây là một phần trong hoạt động hỗ trợ tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản mà trại đã tiến hành từ năm 2013. Trung bình mỗi năm, trại cung cấp 9-10 tấn cá các loại phục vụ việc tái tạo nguồn thủy sản, cũng như cung cấp cá cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Hộ ông Nguyễn Bằng Bổng, ngụ ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng tiếp nhận và thả 5 tạ cá trong hồ
Anh Hoàng Mạnh Hùng, Phó trưởng Trại giống cây trồng và vật nuôi đóng trên địa bàn xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, cho biết: “Thực hiện chương trình của trung tâm, trại, anh em đội đã sản xuất giống thủy sản được 2,5 tạ cá các loại”. Số cá này được xuất cho hộ ông Nguyễn Bằng Bổng, ngụ ấp 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng. Ông Bổng tiếp nhận, thả thêm 5 tạ cá giống gồm cá trắm, chép và rô phi, nuôi trong hồ thuộc diện tích gia đình quản lý. Ông Bổng nuôi cá đã 11 năm nay, nuôi chủ yếu các loại cá trắm, rô phi, chép. Nguồn thức ăn cho cá từ chất thải của trại heo và rau cỏ dại quanh ao. Thường thì 3 năm gia đình ông xả cạn đáy để thu hoạch triệt để, nếu còn thì dùng lưới mắt to bắt cá lớn trước. Hiện nay, hằng ngày gia đình ông kéo lưới thu hoạch từ 40-50kg cá các loại bán cho người dân trong vùng.

Từ năm 2013, Trại giống cây trồng và vật nuôi thực hiện tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản như cung cấp cá truyền thống, hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá lăng nha, với nguồn cá bố mẹ được bắt từ lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Từ đầu năm 2023 đến nay trại đã tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản được 19.840 con cá lăng, 2.606kg cá truyền thống thả xuống các khu vực thuộc hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng. Trại cũng đã hỗ trợ công tác khuyến ngư cho 14 tổ nghề cá; hỗ trợ 15 xã trên địa bàn tỉnh 1.500kg cá rô phi, trắm, chép; xây dựng 2 mô hình nuôi cá rô phi đơn tính; 1 mô hình nuôi cá mặt nước lớn; hình thành chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm thủy sản lồng bè, mặt nước lớn.

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cho hay: “Mục tiêu của chương trình là duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên. Người dân đã khai thác, đánh bắt quá nhiều gây cạn kiệt và ảnh hưởng đến nguồn cá giống. Chương trình cũng giúp người dân sống ở các làng bè và những người sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản nâng cao nhận thức về pháp luật, không khai thác hủy diệt các loài thủy sản”.

Bình Phước có lợi thế hơn 26.000 ha diện tích mặt nước có thể nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, lợi thế về yếu tố đầu nguồn trong sạch, thích hợp cho nhiều loại cá có giá trị cao như lăng nha, lăng vàng, chạch lấu… sinh sống và phát triển. Với những lợi thế này, chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước xác định đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 4.900 tấn, gồm cả sản lượng nuôi trồng và khai thác; diện tích nuôi thủy sản 1.650 ha… là những con số hoàn toàn có thể thực hiện.

Theo dõi và liên hệ lấy sỉ hải sản khô tại đây 👇
Trang cá nhân: MỰC KHÔ MAI ĐỊNH
Fanpage: MAI ĐỊNH SEAFOOD
#Maidinhseafood #Congtymaidinh #Tintucmaidinh #tintuc
Cre: baobinhphuoc.com.vn